Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

    Nghề Báo

    davudesco
    davudesco
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN


    Nam
    Tổng số bài gửi : 523
    Age : 40
    Registration date : 05/02/2007

    Nghề Báo Empty Nghề Báo

    Bài gửi by davudesco Sat Mar 24, 2007 8:33 am

    Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của nhà báo là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi phút, mỗi giây



    Báo chí và nhà báo

    Mỗi ngày, khi bình minh ló rạng, mọi người trên khắp trái đất thức giấc đón chào ngày mới, phải chăng đều giống nhau ở chỗ cùng chung câu hỏi: hôm nay có gì mới?

    Và ai nấy đều mong ước được trả lời ngay, được biết lập tức. Nhu cầu chung ấy của nhân loại gọi là nhu cầu cần được thông tin, một nhu cầu tinh thần thiết yếu của con người trên trái đất rộng lớn mà con người là trung tâm này.

    Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ làm thỏa mãn nhu cầu đó?

    Đó chính là các nhà báo.

    Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của nhà báo là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi phút, mỗi giây.

    Qua các loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo chí Internet), liên tục trong ngày, nhà báo phát đi những thông tin mới nhất

    Thông tin báo chí là thông tin đại chúng

    Báo chí là thông tin, nhưng không phải thông tin nào cũng có thể trở thành báo chí.

    Thông tin báo chí phải là thông tin đại chúng, tức là nó hướng tới các tầng lớp công chúng rộng rãi, có mục đích và có ý nghĩa chính trị xã hội nhất định.

    Ngày nay, từ góc nhìn hiện đại, báo chí được coi là lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng (Mass Communication), bên cạnh sách, điện ảnh, mạng toàn cầu internet…

    Các kênh thông tin của báo chí (báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo chí Internet…) còn được gọi là các phương tiện truyền thông đại chúng hay các phương tiện thông tin đại chúng (Mass Media).

    Báo chí là một loại hình hoạt động chính trị - xã hội

    Báo chí là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất của đời sống xã hội. Nó đóng vai trò chính trị - xã hội to lớn ở mọi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Ngoài ra, báo chí mang tính khuynh hướng rất rõ. Dù được tuyên bố hay không, mỗi tờ báo, đài phát thanh, truyền hình trong quá trình hoạt động đều đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của một tầng lớp, tổ chức nào đó trong xã hội.

    Ở nước ta, tính khuynh hướng của báo chí được phát triển thành tính Đảng. Điều này được phát biểu rõ rang ngay tại Điều 1 trong Luật Báo chí, quy định về vai trò, chức năng của báo chí Việt Nam:

    Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (…), là diễn đàn của nhân dân.

    Các loại hình báo chí cơ bản

    Báo in (gồm báo và tạp chí)

    Báo in là người “nhiều tuổi nhất” trong đại gia đình báo chí, ra đời khoảng thế kỷ XVI, và không ngừng phát triển cho tới tận ngày nay. Suốt ba thế kỷ, cho đến khi những phát minh khoa học - kỹ thuật mới dẫn đến sự ra đời của phát thanh rồi truyền hình và sau này là báo chí Internet, báo in vẫn giữ vai trò như phương tiện truyền thông đại chúng độc tôn.

    Những thập niên cuối thế kỷ XX, khi văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh mẽ, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu phát thanh và truyền hình có lấn át báo in? Nhưng thực tế khẳng định báo in vẫn luôn tồn tại và không ngừng phát triển, đổi mới để phục vụ tốt hơn yêu cầu của độc giả.

    Phát thanh (Báo nói)

    Có một câu nói nổi tiếng trong nghề báo rằng “Khi sự kiện xảy ra, phát thanh đưa tin, truyền hình minh họa và báo in phân tích nó”.

    Cung cấp thông tin nhanh và rẻ nhất cho công chúng là phát thanh (hay còn gọi là báo nói). Ngày nay, trước sức ép của truyền hình và Internet, công chúng của phát thanh có phần giảm sút. Tuy nhiên, phát thanh vẫn là kênh thông tin ưu việt không thể thiếu của báo chí.

    Truyền hình (báo hình)

    Kết hợp cả hai kênh nghe nhìn, hiện nay, truyền hình thực sự là “người khổng lồ” trong các phương tiện truyền thông đại chúng.

    Truyền hình xâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống, thu hút mọi đối tượng công chúng, cung cấp những kiến thức tổng hợp, cần thiết trong cuộc sống, các chương trình thông tin quảng cáo và giải trí hấp dẫn.

    Sự phát triển của truyền hình cáp và truyền hình Kỹ thuật số ở nước ta hiện nay đang mở ra những cơ hội mới cho việc mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình, thu hút công chúng nhiều hơn.

    Báo chí Internet (báo mạng điện tử)

    Là thành viên “trẻ” nhất so với báo in, phát thanh, truyền hình, nhưng báo chí Internet đã khẳng định sức mạnh to lớn với khả năng cập nhật thông tin nhanh nhất và “lan tỏa” nhất. Một trong những lợi thế của báo chí Internet là khả năng truyền thông đa phương tiện (multi-media).

    Hiện nay, ở nước ta, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mạng internet, nhiều cơ quan báo chí Internet cũng đang dần trở nên quen thuộc và có uy tín như Vietnamnet, VnExpress…

    Báo ảnh

    Báo ảnh khai thác sức mạnh của ảnh báo chí. Ảnh báo chí có sức mạnh riêng bởi tính chân thực, tin cậy, thuyết phục và hấp dẫn, được dùng phổ biến trên báo in, báo Internet, truyền hình (ảnh tĩnh)… và báo ảnh.

    Hãng thông tấn (hãng tin tức)

    Hãng thông tấn là những “phát ngôn viên” của thế giới, hàng ngày thu về và phát đi hàng triệu từ tin tức. Trong số những “đại gia” truyền thông của thế giới, phải kể đến Reuter (Anh), AP, UPI (Mỹ) AFP (Pháp) Itar-TASS (Nga) Tân Hoa Xã (Trung Quốc) Kyodo (Nhật)…

    Hãng thông tấn là một tổ chức, tổ hợp báo chí có chức năng thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng khác.

    Ngoài ra, hãng thông tấn còn tiến hành các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, trao đổi và hợp tác về thông tin và các lĩnh vực khác. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là một trong những tổ hợp báo chí như vậy.

    Các chuyên gia thế giới dự đoán rằng, trong tương lai, bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, chắc chắn sẽ còn xuất hiện những loại hình truyền thông mới. Và báo chí sẽ ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin vô hạn của nhân loại.
    davudesco
    davudesco
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN


    Nam
    Tổng số bài gửi : 523
    Age : 40
    Registration date : 05/02/2007

    Nghề Báo Empty Re: Nghề Báo

    Bài gửi by davudesco Sat Mar 24, 2007 8:35 am

    Một ngày của một nhà báo
    Không có lịch trình chính xác cho việc bắt đầu và kết thúc một ngày của nhà báo, nhất là với những loại hình báo chí khác nhau như báo in, phát thanh, truyền hình, báo chí Internet… Nó phụ thuộc vào công việc bạn đang làm và tin tức bạn đang theo đuổi. Có những khi ngày thực sự bắt đầu từ hôm qua, bởi bạn đã thức trắng đêm để theo dõi hoặc trình bày một sự kiện nào đó.

    Nhưng hãy coi như không có những việc đặc biệt như vậy, ở tòa soạn báo in, buổi sáng của bạn sẽ bắt đầu vào khoảng tám giờ với ấm trà nóng ở cơ quan. Các nhà báo thường bắt đầu ngày làm việc theo cách này, tức là ngồi lại chuyện trò về đủ thứ trên đời, chủ yếu là những tin tức chính trị xã hội nóng hổi.

    Đọc báo cũng là một khâu thiết yếu để bắt đầu buổi sáng. Nhà báo luôn phải là người đọc báo nhiều nhất, báo của mình và các báo khác mới ra sáng nay. Đảo một vòng qua các báo, bạn đã có một lượng thông tin khái quát. Bạn xem lại bài việt của mình trên báo mới ra và tự đánh giá. Bài viết hơi dài, , ảnh lại không rõ lắm chẳng hạn. Nếu đó là một vấn đề được nhiều báo cùng phản ánh, bạn lập tức phải mở một số báo khác mà bạn lựa chọn, xem họ viết về chuyện này như thế nào, có gì khác với bạn không. Bạn có thể đọc báo tại nhà hoặc ở cơ quan. Nhà báo đọc báo ở mọi lúc, mọi nơi có điều kiện. Đọc – đi – nghĩ - viết là công việc của nghề này.

    Tuy nhiên, bạn chẳng có nhiều thời gian, bởi sáng nay bạn có một cuộc họp báo vào lúc 9 giờ. Đây là một cuộc họp báo quan trọng và bạn không thể đến muộn. Vì thế, bạn phải trừ hao những sự cố như tắc đường chẳng hạn. Nhà báo phải đưa tin về sự kiện nhưng bạn lại không thể bắt sự kiện đó diễn lại, vì vậy bạn phải luôn là người “đi trước, đón đầu”.

    Tối hôm qua, bạn đã thức khá muộn để đọc thêm một số thông tin có liên quan tới cuộc họp báo này, như vậy bạn sẽ bỏ qua được việc phải hỏi những thông tin vô ích. Giờ đây, bạn chăm chú theo dõi để đặt những câu hỏi xác đáng, và kịp thời ghi chép thông tin. Trong lúc đó, bạn quyết định dành cho sự kiện này một cái tin đơn giản hay là một bài phản ánh, bình luận…

    Hai tiếng sau, rời khỏi khách sạn sang trọng, bạn không kịp dự bữa tiệc chiêu đãi, bạn xắn gấu quần dò dẫm đi trên con hẽm tối dẫn vào một khu vực dân cư phức tạp trong một vụ việc tranh chấp đầy nghi vấn mà bạn mới phát hiện.

    Dò la, phỏng vấn, chụp ảnh, bạn quay lại toàn soạn khi đã quá trưa, vừa nhai vội ổ bánh mì vừa viết bài. Bạn nhìn lên đồng hồ, không có nhiều thời gian. Lúc ba giờ chiều bạn phải đi dự một lễ ký kết hợp tác nước ngoài. Chuyển xong tin bài qua “sếp”, bạn vội vàng phi vào phòng tắm, chỉ có 10 phút để tân trang lại sạch sẽ, chỉnh chu.

    Hai mươi phút sau, bạn đã có mặt tại một tòa cao ốc sang trọng với dáng vẻ khả kính nhất, cứ như chưa hề có chuyện lặn lội trong con hẻm đầy rác bẩn và vừa nhai vội ổ bánh mì nguội, vừa viết bài buổi trưa.

    Ngày làm việc kết thúc vào lúc 7 giờ tối, cũnmg có thể là 10 giờ hay muộn hơn. Một giờ đêm, bạn đang ngủ mê mệt sau một ngày làm việc vất vả, tiếng điện thoại reo inh ỏi. Bạn bật dậy cầm ống nghe và ra khỏi nhà năm phút sau với đầy đủ “phụ tùng” tối thiểu như máy ảnh, máy ghi âm, sổ, bút. Có một sự kiện nghiêm trọng vừa xảy ra. Không biết mấy giờ bạn về nhà, cũng có thể bạn sẽ về ngay tòa soạn.

    Tóm lại, chẳng có mẫu số chung nào cho một ngày của nhà báo cả. bạn luôn là người nắm bắt nhanh nhất, chạy theo dòng sự kiện nóng hổi để truyền tải tới công chúng đang đón chờ.

    Một ngày của bạn bắt đầu từ chính những sự kiện. Và như vậy, cuộc sống của nhà báo là dòng sự kiện trôi chảy không ngừng.
    davudesco
    davudesco
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN


    Nam
    Tổng số bài gửi : 523
    Age : 40
    Registration date : 05/02/2007

    Nghề Báo Empty Re: Nghề Báo

    Bài gửi by davudesco Sat Mar 24, 2007 8:37 am

    Nhà báo làm việc ở đâu ?





    Làm việc tại các tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình.

    Chiếm số lượng đông đảo và phong phú nhất vẫn là những nhà báo hoạt động trong các tòa soạn báo in, đài phát thanh, đài truyền hình và tòa soạn báo Internet.

    Tùy vào đặc điểm của từng loại hình báo chí mà công việc của nhà báo có những đặc thù riêng. Sự phát triển của báo chí Internet đang tạo ra những thay đổi lớn, đồng thời mở ra rất nhiều cơ hội cho nhà báo.

    Trong từng tòa soạn, phụ thuộc vào mục đích, tôn chỉ, đối tượng và nội dung tờ báo, và tất nhiên là cả loại hình báo chí, nhà báo được phân định cụ thể về các ban, tiểu ban như ban Nội chính, ban Khoa học – Giáo dục, ban Văn hóa – Xã hội, ban Kinh tế, ban Quốc tế… với các chức danh phóng viên, biên tập viên

    Trước đây, một nhà báo thường bắt đầu bằng nghề nghiệp với công việc của phóng viên (trực tiếp đi săn tin), sau khi có kinh nghiệm một số năm nhất định thì trở thành biên tập viên (chức năng chủ yếu là ngồi tại tòa soạn biên tập tin bài từ các nguồn khác nhau như phóng viên, thông tin viên). Tuy nhiên, hiện nay tại các cơ quan báo chí, sự phân biệt về công việc giữa phóng viên và biên tập viên không còn quá rạch ròi.

    Nhiều báo sử dụng phóng viên ảnh là những người chuyên chụp ảnh theo yêu cầu của lãnh đạo báo, các biên tập viên, phóng viên khác, hoặc theo nguồn tin tự tìm lấy.

    Trên thực tế, ngày nay, theo xu hướng báo chí hiện đại, ngoài những trường hợp đặc biệt đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, nhà báo khi lo nội dung tin tức thường tự chụp ảnh.

    Làm việc trong lĩnh vực chỉ đạo hoặc quản lý Nhà nước về báo chí.

    Trong lĩnh vực này, tùy vào khả năng, điều kiện và kinh nghiệm công tác, bạn có thể làm việc tại:

    * Vụ báo chí (Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương).
    * Các ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy.
    * Cục báo chí (Bộ Văn hóa – Thông tin)
    * Các sở Văn hóa – Thông tin tỉnh, thành phố
    * Các phòng Văn hóa – Thông tin quận, huyện.


    Làm việc trong các phòng Thông tin – Báo chí của các cơ quan, các bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị - xã hội, các công ty truyền thông, các doanh nghiệp…

    Công việc trong các phòng Thông tin – Báo chí là một hướng tiếp cận không hoàn toàn mới mẻ nhưng lại ít được sinh viên báo chí quan tâm trong khi các tòa soạn báo đang có nguy cơ đầy ứ.

    Hiện nay, công việc PR (tham khảo nghề PR – Quan hệ công chúng) cũng được coi là một con đường phát triển sự nghiệp mới mẻ và hấp dẫn với những người tốt nghiệp ngành báo chí.

    Làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo báo chí ở các trường đại học, viện nghiên cứu có ngành báo chí.

    Làm việc trong các tổ chức quốc tế, tuỳ viên báo chí các Đại sứ quán trong và ngoài nước.

    Làm nhà báo tự do

    Tức là bạn không hoàn toàn thuộc về một cơ quan, tổ chức nào ngoài chính bản thân bạn. Mô hình nhà báo tự do đã rất phát triển ở các nước phương tây. Họ là cộng tác viên thường xuyên hoặc không thường xuyên của một số cơ quan báo chí (có người từng cộng tác với hàng chục nơi).

    Nhà báo tự do hoàn toàn có thể gây dựng sự nghiệp và tiếng tăm cho bản thân mà không cần phải phụ thuộc vào uy tín của một cơ quan báo chí nào đó.

    Do quan niệm cổ điển phải có công ăn việc làm ổn định, được trả lương, ở nước ta nhiều người còn e ngại trước công việc của một nhà báo tự do. Tuy nhiên, đã có những người đang đi tiên phong rồi đấy.

    Vậy thì, nếu bạn tin vào khả năng và niềm say mê của chính mình, tại sao lại không thử sự nghiệp của một nhà báo tự do nhỉ? Thực tế bạn có thể cùng lúc hoạt động tại nhiều nơi kể trên. Ví dụ như bạn vừa làm việc chính thức tại tòa soạn, vừa tham gia giảng dạy báo chí. Nhiều nhà báo giỏi, có kinh nghiệm vẫn thường được mời về thỉnh giảng tại các khoa, trường đào tạo ngành báo chí. Hoặc ngược lại, bạn có thể vừa giảng dạy ở trường, vừa tham gia cộng tác với các tòa soạn.

    Tóm lại, với nghề báo, mọi cơ hội và khả năng đều mở ra trước mắt bạn, miễn là bạn có năng lực và nhiệt tâm thực hiện chúng.
    davudesco
    davudesco
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN


    Nam
    Tổng số bài gửi : 523
    Age : 40
    Registration date : 05/02/2007

    Nghề Báo Empty Re: Nghề Báo

    Bài gửi by davudesco Sat Mar 24, 2007 8:38 am

    Những lý do bạn chọn nghề báo :

    Một nghề năng động và luôn đổi mới

    Báo chí luôn là một trong những nghề nghiệp tạo cho bạn nhiều cảm giác năng động và mới mẻ nhất. Đơn giản vì bạn là người đưa tin về cái mới. Nếu bạn chán ghét sự lặp lại thì đây là “địa chỉ” rất đáng lưu tâm.

    Dòng sự kiện đang trôi chảy liên tục ngoài kia, và còn gì tuyệt vời hơn khi chính bạn – nhà báo, luôn là người tới trước, biết trước để rồi chuyển đến công chúng đang “hong hóng” đón chờ.

    Sau một thời gian làm báo, đã quen nghề, nhiều khi chính bạn cũng phải ngạc nhiên vì sự lanh lẹ, tác phong “công nghiệp”, khả năng thích ứng với sức ép về thời gian của mình.

    Bạn luôn có cơ hội với báo chí nếu bạn thực sự đam mê

    Có thể bạn đang đắn đo trước những lời cảnh báo về sự quá tải ở các cơ quan báo chí, về sinh viên báo chí ra trường dễ thất nghiệp vì sự cạnh tranh của những người tốt nghiệp các ngành học khác.

    Nhưng bản thân báo chí lại là một nghề nghiệp đặc thù. Không phải chỉ khi có một chỗ ngồi thật ổn định ở một cơ quan báo chí, bạn mới là nhà báo thực thụ. Các tòa soạn báo luôn cần những cộng tác viên nhiệt tình, hăng hái. Thêm vào đó, với sự phát triển của báo chí Internet tại nước ta hiện nay, cánh cửa cơ hội với bạn luôn rộng mở.

    Nhuận bút của nhà báo Việt Nam cũng đang không ngừng tăng lên. Đã có không ít bài báo hay, đặc sắc được trả nhuận bút tới tiền triệu. Như vậy, là nhà báo có tài, bạn luôn có khả năng tạo ra cuộc sống tương đối dư dật bằng ngòi bút chân chính.

    Bạn có điều kiện khẳng định mình

    Với báo chí, bạn – nhà báo tài năng hoàn toàn có thể dựng nên một “chân dung” riêng biệt của mình, không lẫn vào ai trên trang báo, làn sóng phát thanh, màn ảnh truyền hình và trong lòng công chúng. Họ thích nghe, xem những chương trình phát thanh / truyền hình do bạn thực hiện chính, thích đọc những bài báo do bạn viết.

    Với nhà báo, sự tin tưởng và yêu quý của công chúng luôn là phần thưởng quý giá nhất.

    Bạn nắm trong tay sức mạnh công luận

    Là người tạo lập và hướng dẫn dư luận xã hội, bạn đại diện cho tiếng nói đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhưng cũng chính vì vậy mà hãy cẩn thận với “lời ăn tiếng nói” của bạn trên mặt báo.

    Xác minh, thẩm định nguồn thông tin thật chính xác luôn là nguyên tắc đầu tiên của nhà báo.

    Bạn có cơ hội đi “du lịch” thật nhiều nơi và tìm hiểu về nhiều điều mới lạ.

    Tất nhiên những chuyến đi này kèm theo nhiều sự ưu đãi. Nhưng đừng bao giờ để lý do ấy trở thành động lực chính để bạn chọn nghề báo. Bởi vì khi bước vào nghề, nhiều người mới nhận ra những chuyến “du lịch” ấy không thú vị như bạn tưởng, khi đầu óc bạn lúc nào cũng phải quay cuồng với tin tức, bài vở và chân tay làm việc không ngơi.

    Dù sao, là một nhà báo, bạn hoàn toàn có thể tự hào với vốn hiểu biết của mình về những địa phương, các phong tục văn hóa và cả những địa chỉ “ẩm thực” nữa.
    davudesco
    davudesco
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN


    Nam
    Tổng số bài gửi : 523
    Age : 40
    Registration date : 05/02/2007

    Nghề Báo Empty Re: Nghề Báo

    Bài gửi by davudesco Sat Mar 24, 2007 8:40 am

    Những tố chất giúp bạn thành công với nghề báo

    Bạn có năng khiếu phát hiện thông tin

    Trước hết, năng khiếu này thể hiện ở việc bạn quan tâm tới các sự kiện và cuộc sống luôn mới mẻ dù ở những góc quen thuộc nhất. Bạn nhanh nhạy và tháo vát hơn mọi người trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin.

    Báo chí là nghề trả lời câu hỏi triết học Cái gì mới, nên năng khiếu phát hiện thông tin rất quan trọng với bất kỳ nhà báo nào. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên có cơ sở đào tạo báo chí lại yêu cầu môn thi năng khiếu báo chí khi tuyển sinh.

    Nhà báo phải có khả năng nhìn thấy thông tin ở khắp nơi trong đời sống xã hội. Anh ta nhận ra “vấn đề” ngay trong những cái bình thường mà mọi người dễ bỏ qua. Sự nhìn thấy ấy lại phụ thuộc không ít vào vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nhà báo tích lũy được về mọi mặt của cuộc sống. Nhà báo là người nằm trong dòng chảy thông tin vận động không ngừng, nên buộc phải thông hiểu mọi lĩnh vực đời sống để có thể phát hiện cái mới và thông tin tới công chúng.

    Bạn có năng khiếu truyền tin

    Phát hiện thông tin chưa đủ, bạn còn phải quyết định thông tin đó có nên đưa tới công chúng không, và đưa tới ở mức độ nào. Phẩm chất này rất quan trọng trong nghề báo.

    Năng khiếu truyền tin không phải bạn là trung tâm “buôn dưa lê” mà là bạn biết cách chọn lọc thông tin, chi tiết, biết cách khiến nó trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và thực sự cần thiết với công chúng.

    Thường thì nếu bạn có ý định chọn nghề báo, ngay từ khi còn học trung học, bạn nên gắng học giỏi đều các môn học, nhất là những môn học khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa lý…). Những môn học này không chỉ rèn kỹ năng viết lách, diễn đạt mà còn tạo dựng cho bạn một “phông” văn hóa nền phong phú. Ngoài ra, hãy cố gắng tập cho mình thói quen đọc sách báo, nghe đài, xem truyền hình… Bạn sẽ tích lũy được rất nhiều cách truyền đạt. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tác nghiệp báo chí của bạn sau này.

    Bạn đam mê nghề thông tin

    Dòng chảy bất tận của thông tin đầy ma lực nhưng cũng dễ vắt kiệt sức lực của bạn. Làm nghề báo, bạn rất dễ bị căng thẳng về thần kinh trước áp lực của công việc và sự kiện. Chính vì vậy, hãy tự xem bạn có đam mê nghề thông tin không?

    Nhiều bạn trẻ đã lầm lẫn về bản thân khi chọn nghề báo vì đây là một nghề thời thượng trong xã hội hiện đại. Thích được nổi tiếng, thích được mọi người nể trọng, săn đón, nên nhiều người đã chọn nghề báo một cách cảm tính đầy sai lệch như thế mà không biết rằng nghề báo là một nghề nặng nhọc, nguy hiểm, phải có năng khiếu riêng, và phải thật đam mê thông tin. Đây nhất thiết phải là một đam mê có sự soi xét, can thiệp của lý tính, để có thể gìn giữ suốt đời.

    Bạn có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng

    Báo chí là nghề hoạt động chính trị - xã hội nên lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng giữ vai trò tiên quyết đối với người làm báo.

    Trái với nghề sư phạm thường đóng khuôn trong một môi trường mẫu mực, nghề báo luôn phải đối mặt với vô vàn cám dỗ và cả những hiểm nguy. Làm sao giữ được ngòi bút trung thực, thẳng thắn, bình tĩnh để đưa đến công chúng những thông tin đúng đắn?

    Điều đó không dễ chút nào. Và đôi khi, dù hoàn toàn vô tình, bạn cũng có khả năng phạm phải sai lầm lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Một nhà báo lão thành nước ta từng tổng kết: Nhà báo phải có “đôi mắt sáng, lòng trong và cây bút sắc”. Tố chất này đòi hỏi một quá trình rèn luyện lâu dài và nghiêm túc.

    Bạn năng bồi dưỡng cho mình một vốn văn hóa, vốn sống phong phú

    Với nghề báo, bạn phải tiếp cận với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì thế, bạn cần phải có một vốn văn hóa vững chắc, luôn luôn được bồi dưỡng, cập nhật với vốn sống thực tế, phong phú. Nếu không, ngay từ buổi phỏng vấn đầu tiên với một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, bạn sẽ dễ có cảm giác “lơ ngơ như bò đội nón”, không biết phải hỏi gì. Và cũng thật tệ khi bạn, người đưa tin chuyên nghiệp, người trả lời câu hỏi cái gì mới lại lạc hậu so với thời đại.

    Ngoài “phông” kiến thức tổng hợp ấy, bạn cũng nên có một lĩnh vực chuyên sâu. Bạn sẽ có những bài viết thật sự sắc sảo và tỉ mỉ hơn, chuyên về một mảng nào đó của đời sống. Và muốn vậy, bạn – nhà báo, phải là người trước hết am tường về nó.

    Bạn luôn tự hào về trình độ ngọai ngữ và tin học của mình

    Trong môi trường giao lưu quốc tế rộng rãi hiện nay, ngọai ngữ và tin học cần cho tất cả các ngành nghề trong xã hội. Với nghề báo, yếu tố này đặc biệt quan trọng. Trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi với sinh viên báo chí, các nhà báo đã trưởng thành và có kinh nghiệm trong nghề thường khuyên thế hệ sau ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có thời gian và điều kiện, hãy cố gắng trau dồi vốn ngọai ngữ và tin học.

    Cùng với xu thế khu vực hóa mạnh mẽ, ngoài những ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh, tiếng Pháp, các thứ tiếng khác trong khu vực cũng sẽ là một lợi thế rất lớn cho bạn khi tác nghiệp.

    Bạn ưa vận động

    Ba lô trên vai, bạn luôn sẵn sàng cho những chuyến đi. Với nghề báo, bạn thường phải bôn ba nhiều nơi. Chẳng ai có thể ngồi một chỗ để làm báo. Bởi vậy, thích đi và biết cách đi là một trong những yếu tố quan trọng của nhà báo. Nhưng hãy nhớ rằng những cuộc đi này rất khác với đi chơi, thường đầu óc bạn luôn phải căng thẳng với nhiệm vụ đã được vạch sẵn.
    davudesco
    davudesco
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN


    Nam
    Tổng số bài gửi : 523
    Age : 40
    Registration date : 05/02/2007

    Nghề Báo Empty Re: Nghề Báo

    Bài gửi by davudesco Sat Mar 24, 2007 8:44 am

    Điều gì cản trở bạn :

    Bạn rất kị môn văn, luôn gặp khó khăn với các bài làm văn, đặc biệt là văn nghị luận xã hội. Khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề của bạn không cao.
    - Bạn dễ nản lòng trước khó khăn, nhất là khi có ai đó cản trở.

    - Bạn rất ngại tranh chấp và không thích làm mất lòng người khác.

    - Bạn không lợi khẩu, ăn nói không khéo léo cho lắm.

    - Bạn rụt rè và nhút nhát , hay mất bình tĩnh trước đám đông.

    - Bạn ghét những vấn đề dính dáng đến chính trị.

    - Bạn sống hướng nội và ưa một cuộc sống bình yên, tĩnh lặng.

    - Bạn thích công việc an nhàn.

    - Sức khỏe của bạn không tốt, đặc biệt là thần kinh yếu.

    - Bạn thường mặc cảm, tự ti về vẻ ngoài “không ưa nhìn”.


    Tuy nhiên, lý do tốt nhất để thành nhà báo đã nằm trong chính con người và ý chí của bạn. Khi bạn đã muốn trở thành nhà báo thì chẳng có cách gì ngăn cản.

    Niềm đam mê là cái mà không ai có thể dạy. Có đam mê, bạn sẽ tìm ra con đường ngắn nhất để đến được La Mã, vì La Mã chỉ có một, còn đường đi thì có hàng nghìn. Cách đi nhanh nhất chỉ thuộc về những người đam mê tìm tòi và thực sự có năng khiếu tìm tòi, trí tuệ tìm tòi mà thôi.
    davudesco
    davudesco
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN


    Nam
    Tổng số bài gửi : 523
    Age : 40
    Registration date : 05/02/2007

    Nghề Báo Empty Re: Nghề Báo

    Bài gửi by davudesco Sat Mar 24, 2007 8:46 am

    Để trở thành nhà báo , bạn học :



    Bạn có thể bước vào nghề báo từ bất cứ ngành đào tạo nào, đặc biệt là những ngành vốn gần gũi với báo chí như Luật, Văn học, Sử học, Ngôn ngữ học … Thậm chí, nhiều người học các ngành khoa học tự nhiên cũng chọn báo chí làm con đường phát triển sự nghiệp và không ít người đã thành công.

    Muốn học lý thuyết và kỹ năng báo chí chuyên nghiệp, bạn nên đăng ký thi tuyển vào một số cơ sở đào tạo báo chí tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh… Trong đó, quy mô lớn nhất là Phân viện Báo chí – Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Khoa Báo chí của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

    Tại Khoa báo chí (Trường ĐH KHXH và NV Đại học Quốc gia Hà Nội), bạn sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản, rèn luyện những kỹ năng tổng hợp về báo chí, đào tạo chung cho cả báo in, phát thanh, truyền hình, báo chí Internet, không chuyên sâu theo một lĩnh vực nào. Còn ở Phân viện Báo chí – Tuyên truyền, bạn sẽ học theo những lĩnh vực riêng biệt của báo chí như báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng internet.

    Tại Trường ĐH Khoa học (Đại học Huế)Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH QG TP Hồ Chí Minh), ngành báo chí được đặt đào tạo chung trong khoa Ngữ văn.

    Tuy nhiên, báo chí là một nghề nghiệp đặc thù. Hiện nay, trong đội ngũ nhà báo, những người học báo chí ra chỉ chiếm khoảng trên dưới 30%. Đa số còn lại là những người chưa qua đào tạo báo chí chính quy. Họ học làm báo từ trường đời, từ chính những bài báo.

    Trong thực tế, nhiều tòa soạn đã tổ chức thi tuyển, và không hiếm trường hợp, người vượt qua được cuộc tuyển chọn lại không phải là sinh viên báo chí mà lại là sinh viên của các ngành khác, nhất là những ngành có liên quan mật thiết đến đặc thù riêng, giọng điệu riêng của từng tờ báo, hoặc từng loại báo viết, phát thanh, truyền hình, báo Internet.

    Là một nghề nghiệp mang tính sáng tạo và độc lập cao, nghề báo có tính đào thải rất khắc nghiệt. Ngay cả khi bạn đã tưởng chừng trở thành một nhà báo rồi, nếu bạn dừng lại không chịu học hỏi, rèn luyện, bạn sẽ bị rớt lại. Vì vậy, bạn đừng yên chí rằng sau khi đã học ngành báo chí là có thể trở thành nhà báo ngay. Nghề báo cần một quá trình tự học lâu dài và tích cực.

    Nếu bạn có điều kiện, du học nước ngoài cũng là một sự lựa chọn tốt trong hoàn cảnh đào tạo báo chí ở nước ta còn nhiều bất cập. Bạn có thể đăng ký học tại những trường báo chí danh tiếng thế giới tại Mỹ, Pháp, Nga…

    Nếu bạn thích đi “gần nhà” hơn, các học viện truyền thông của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… đều là sự lựa chọn tốt.

    Nếu bạn biết sử dụng Internet, bạn có thể tìm kiếm vô vàn thông tin về quang cảnh báo chí thế giới và trong nước, những kỹ năng, nghiệp vụ báo chí.
    davudesco
    davudesco
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN
    QUẢN TRỊ DIỄN ĐÀN


    Nam
    Tổng số bài gửi : 523
    Age : 40
    Registration date : 05/02/2007

    Nghề Báo Empty Re: Nghề Báo

    Bài gửi by davudesco Sat Mar 24, 2007 8:49 am

    Như chúng ta đều biết, báo chí không hoàn toàn chỉ là một nghề phải được dạy mà còn có thể và nhất định phải là một nghề tự học. Sẽ là quá muộn nếu bạn cứ nấn ná “để dành” việc thực hiện đam mê của mình.

    Hãy bắt đầu với những tờ báo tường, tập san trong lớp, khối hay trường của bạn. Thử cơ cấu, tổ chức lại chúng một cách hợp lý hơn, mang tính thông tin cao hơn. Và sao chúng ta lại phải cứ đợi đến những ngày như 26/3 hay 20/11 mới “ra lò” báo tường nhỉ?

    Lớp bạn sẽ thú vị hơn nhiều với một bản tin nội bộ rất chuyên nghiệp dưới sự dàn dựng của bạn. Thông tin của nhà trường, thông báo của thầy cô, chuyện trong lớp, góc chia sẻ kinh nghiệm học tập, lời nhắn yêu thương gửi tới bạn bè cùng hàng ngàn thứ rất “học trò” khác.

    Nếu bạn muốn thử sức trong môi trường báo chí thực thụ, các báo đều sẵn sàng đăng bài của bạn, miễn là chúng có chất lượng, đặc biệt là những tờ báo dành cho học sinh. Ngoài việc luyện tập tay nghề, bạn còn có một chút nhuận bút để tha hồ “rủng rỉnh”.

    Ngay từ hôm nay, hãy tập thói quen đọc báo và nhìn nhận cuộc sống xung quanh với con mắt của một nhà báo. Lưu lại những bài báo mà bạn cho là hay, cố suy nghĩ xem vì sao bạn lại thấy chúng hay hơn những bài khác, bạn có thể làm như vậy không và bằng cách nào.

    Chúc bạn may mắn!
    (Theo Tủ sách hướng nghiệp- Nhất nghệ tinh. NXB Kim Đồng)

    Sponsored content


    Nghề Báo Empty Re: Nghề Báo

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Thu Mar 28, 2024 6:59 pm